1. Nguyên nhân gây bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng hoặc phụ nữ có thai.
2. Lây truyền của bệnh sởi
Chủ yếu lây qua đường hô hấp, thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban (lây mạnh nhất ở giai đoạn 2-3 ngày trước khi phát ban và 01 ngày sau ra ban).
3. Biểu hiện của bệnh sởi
Sau một thời gian ủ bệnh từ 10 đến 12 ngày, bệnh sởi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như:
• Sốt.
• Ho khan.
• Sổ mũi.
• Ăn không ngon.
• Chảy máu cam.
• Đau họng.
• Viêm kết mạc.
• Xuất hiện những đốm Koplik trắng nhỏ, với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ bên trong miệng hay trên niêm mạc bên trong của má.
Giai đoạn ủ bệnh và nhiễm trùng kéo dài từ hai đến ba tuần.
Trong 10 đến 14 ngày đầu tiên sau khi bị nhiễm, người bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh sởi trong thời gian này. Vì là những triệu chứng không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, bệnh sởi thường bắt đầu bằng sốt nhẹ đến trung bình, kèm theo ho dai dẳng, sổ mũi, viêm kết mạc và đau họng. Dấu hiệu này có thể kéo dài hai hoặc ba ngày.
Sau đó xuất hiện các nốt phát ban, những đốm nhỏ màu đỏ, hơi sưng. Vài ngày sau những vết mẩn ngứa khó chịu bắt đầu lan ra khắp cơ thể, bắt đầu trên mặt và cổ và di chuyển xuống dưới. Phát ban thường kéo dài trong ba đến năm ngày, sau đó biến mất. Đồng thời cơn sốt tăng mạnh, thường cao tới 40 đến 41 độ C.
4. Điều trị bệnh sởi
Hiện nay, bệnh sởi chưa có điều trị đặc hiệu.Nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà.Với trẻ nhỏ, cần chú ý không cho trẻ bị bệnh tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Bệnh nhân mắc sởi phải được cách ly điều trị ít nhất 07 ngày kể từ khi phát ban (bệnh nhẹ có thể cách ly tại nhà).
Vệ sinh thân thể, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
Không kiêng khem trong chế độ ăn. Đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại hoa quả có màu đỏ, màu cam, uống nhiều nước.
Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc.
Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý, chế biến thức ăn mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Thời gian người bệnh cần cách ly là từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu phát ban.
Trong thời gian chăm sóc và điều trị tại nhà, người bị bệnh sởi nếu có các dấu hiệu bất thường như xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, có biểu hiện chói mắt hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám lại và xử trí kịp thời.
5. Phòng tránh bệnh sởi
Không tiếp xúc với ca bệnh sởi hoặc trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Vệ sinh các khu vực có liên quan đến bệnh nhân.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, các dung dịch có chứa cồn.
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh Sởi, sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm ngừa Sởi- quai bị- rubella theo khuyến cáo để bảo về thai nhi và truyền kháng thể cho con (có thể bảo vệ bé từ 6-9 tháng sau khi ra đời)./.