Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ bảy, 26 Tháng 4, 2025 - 17:29

THÔNG BÁO Một số nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm

Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại tội phạm trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, mua bán người. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống các loại tội phạm, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Hữu Định thông báo đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các ngành, đoàn thể xã và Nhân dân trên địa bàn một số nội dung như sau:

          1. Một số biện pháp phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản

  - Đối với tài sản là xe máy: Cần trang bị thêm hệ thống chống trộm như khóa bánh, khóa càng, khóa chân trống và khóa điện để chống trộm, lắp hệ thống còi báo động… Chú ý để xe ở những nơi dễ quan sát, phải có người trông coi, để xe vào trong nhà, không nên để xe ở sân, trước cửa nhà hay hành lang, rút chìa khóa cất vào nơi an toàn;

- Đối với các hộ gia đình: Cần gia cố các loại cửa, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống axit để chống cắt phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa tum, cửa ra ban công, sân thượng. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhiều ngày phải nhờ người trông coi. Nên làm tường rào ngăn chặn việc leo trèo từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào trong nhà, nên trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm để quan sát từ xa. Tạo mối quan hệ gắn bó với người xung quanh, phải biết số điện thoại của nhau để hỗ trợ khi cần thiết;

- Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học: Cần bố trí bảo vệ 24/24 giờ, thường xuyên tập huấn chuyên sâu về kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản cho cán bộ, công chức cơ quan nắm được để nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm. Nên lắp đặt hệ thống giám sát an ninh (camera, hệ thống báo động…) ở những vị trí quan trọng, nơi để tài sản có giá trị cao, xây dựng tường rào, thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt để bảo vệ tài sản. Lưu ý tuyển dụng nhân viên bảo vệ có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt.

2. Một số biện pháp phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản

- Không nên mang theo nhiều tiền bạc, tài sản, đồ trang sức có giá trị khi tham gia giao thông. Không treo túi xách đựng tiền, tài sản có giá trị ở tay lái xe hoặc giỏ xe, khi đeo trang sức có giá trị (khuyên tai, vòng vàng, dây chuyền…) phải chú ý đề phòng các đối tượng có hành vi cướp giật; không được sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện giao thông.

- Không nên dừng, đỗ xe, đi lại vào ban đêm ở khu vực vắng người qua lại, nếu phải qua khu vực này nên đi từ 02 người trở lên.

-  Khi rút tiền ở ngân hàng, các điểm ATM nên có người đi cùng và luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, khi nhận tiền phải cất giữ cẩn thận trước khi dời đi.

- Nếu có nhu cầu vận chuyển, giao dịch tiền với số lượng lớn, phải bố trí phương tiện và người đi cùng đảm bảo an toàn.

- Các cửa hàng vàng, bạc, đồng hồ, điện thoại di động nên lắp đặt thiết bị báo động, camera ghi hình, tủ trưng bày nên lắp kính cường lực, có khóa chống trộm và phải có hệ thống báo động cho mọi người xung quanh biết. Nên hạn chế kinh doanh giao dịch vào thời điểm buổi trưa hoặc sau 18h00'.

- Nếu không may bị cướp giật tài sản hoặc bị khống chế để cướp tài sản, mọi người dân phải giữ bình tĩnh, xử lý linh hoạt tránh thương vong của bản thân, cần quan sát kỹ về đặc điểm nhận dạng của đối tượng như: vóc dáng, giọng nói, các đặc điểm dễ nhận biết, phương tiện sử dụng, biển số xe để cung cấp cho cơ quan công an, phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng theo quy định. Đồng thời, khi phát hiện có đối tượng cướp giật tài sản, mọi người dân xung quanh phải hô hoán và báo ngay cho lực lượng Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.

3. Một số biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng

          - Không công khai các thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,… trên mạng xã hội. Thực hiện việc này sẽ giúp người dân tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thông tin vào mục đích lừa đảo. Người dân cần chọn lọc thông tin trước khi chia sẻ công khai trên mạng xã hội.

          - Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và cần bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên. Các thông tin người dân cần lưu ý bảo mật gồm có: tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thức (OTP) hoặc số thẻ tín dụng,… Những thông tin này người dân không nên cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, khi chưa xác định được danh tính.

          - Đối với các tin nhắn như hỏi vay tiền qua mạng xã hội, người dân cần trực tiếp gọi điện thoại cho người vay để xác nhận kỹ lại thông tin trước khi chuyển tiền.

          - Tìm kiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn hoặc có giá trị lớn.

          - Khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, đe dọa mình có liên quan đến vụ án, vụ việc, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo.

          - Không nên truy cập các đường link trong tin nhắn hay email lạ không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp thông thin cá nhân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng cho các đối tượng lạ.

          - Không nên nghe và làm theo lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức làm việc nhẹ nhàng, kiếm tiền dễ dàng,…; đặc biệt là, không nghe theo lời các đối tượng chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Cần cảnh giác trước các thông tin thông báo nhận thưởng qua mạng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để nhận thưởng.

          - Không cài đặt trên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực. Trường hợp phát hiện SIM điện thoại bị vô hiệu hóa, cần liên hệ ngay nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh. Nếu bị mất điện thoại, cần nhanh chóng báo cho nhà mạng để khóa SIM kịp thời.

          - Không mở, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác.

          - Tuyệt đối không truy cập website, ứng dụng trong tin nhắn nhận được, trang web có nội dung không rõ ràng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế hay giả mạo website ngân hàng.

          3. Một số biện pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người

          - Nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân, đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm hoạt động.

          - Tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn truóc những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

          - Cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình.

          - Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân.

          - Luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy (của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,…) để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.

          Để thuận lợi cho việc phối hợp giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự, thủ tục hành chính và các vấn đề có liên quan khác, Ban Chỉ đạo xã thông báo đến người dân trên địa bàn xã thông tin cán bộ Công an xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở phụ trách địa bàn các ấp cụ thể như sau:

          - Trực ban Công an xã, số điện thoại: 02753.600.683.

          - Đại úy Thái Văn Giang Em – Cảnh sát khu vực phụ trách ấp Phú Hữu, Hữu Nhơn, Hữu Thành, số điện thoại: 0342.226.566.

          + Nguyễn Trung Sơn – Tổ trưởng Tổ BVANTT ấp Phú Hữu, số điện thoại: 0907.547.539.

          + Bùi Văn Hương – Tổ trưởng Tổ BVANTT ấp Hữu Nhơn, số điện thoại: 0972.931.799.

          + Trần Minh Phụng – Tổ trưởng Tổ BVANTT ấp Hữu Thành, số điện thoại: 0945.702.269.

          - Trung tá Võ Thừa Lĩnh – Phó Trưởng Công an xã Hữu Định kiêm Cảnh sát khu vực phụ trách ấp Hữu Chiến, Đại Định, số điện thoại: 0947.663.879.

          + Nguyễn Ngọc Sơn – Tổ trưởng Tổ trưởng Tổ BVANTT ấp Hữu Chiến, số điện thoại: 0348.937.938.

          + Trần Văn Sang – Tổ trưởng Tổ trưởng Tổ BVANTT ấp Đại Định, số điện thoại: 0364.565.631.

          Trên đây là thông báo một số nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm, Ban Chỉ đạo xã đề nghị toàn thể Nhân dân trên địa bàn xã quan tâm thực hiện./.

công an xã